Rủi ro trong việc chọn trường du học tại Anh không phải ai cũng biết!!!

Bạn có biết là không phải trường nào ở Anh cũng được phép tuyển sinh viên quốc tế.
Trong vài năm gần đây, du học Anh trở thành một ngành kinh doanh mang tính thương mại với sự mở rộng hàng trăm trường đại học, cao đẳng tư nhân nhờ học phí cạnh tranh so với các trường đại học, cao đẳng công, tư có uy tín, xếp hạng. Những trường mới này có tuổi đời trẻ, thu hút du học sinh quốc tế với chi phí thấp. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh và học sinh nào cũng biết mặt trái của việc học tập tại những trường này và rủi ro về visa của con em mình. Bạn có biết là để được tuyển sinh viên quốc tế, các trường phải có tier 4 licence, là giấy phép được bảo lãnh visa cho sinh viên sang du học ở Anh. Mỗi giấy phép này sẽ có hạn mức số lượng sinh viên trường được phép tuyển sinh. Giấy phép này có giá trị trong 4 năm. Tuy nhiên, nếu trong 4 năm này trường bị phát hiện có vấn đề về chất lượng đào tạo hay tuyển sinh thì giấy phép này bị treo hoặc tước giấy phép trước thời hạn. Nếu trường bị tước giấy phép trước thời hạn thì sinh viên đang học sẽ có nguy cơ bị hủy visa do đơn vị bảo lãnh là trường đó không còn được phép bảo lãnh cho sinh viên và sinh viên phải tìm trường mới (đơn vị bảo lãnh mới) nếu muốn tiếp tục học ở UK. Với sinh viên đã học gần xong và thời hạn visa còn, thời hạn giấy phép của trường vẫn còn cho đến thời điểm sinh viên đó hoàn thành khóa học thì trường phải xin bảo lãnh dưới dạng Legacy sponsor. Dạng này chỉ được phép bảo lãnh người đang học mà không được phép tuyển sinh viên mới. Trường hợp sinh viên mới nhập học vào thời điểm trường này gia hạn giấy phép, để rồi vừa học mấy tháng phát hiện là trường bị treo hoặc hủy giấy phép. Sinh viên rơi vào cảnh tiền mất tật mang vừa mất tiền, vừa không được học lại có nguy cơ bị đuổi về nước vì visa bị hủy. Rất nhiều trường kiểu này sau khi bị tước giấy phép từ chối hoàn tiền học phí cho sinh viên và tuyên bố phá sản thì sinh viên không thể kiện họ để đòi tiền. Mà có kiện thì cũng kéo dài, tốn kém và lúc đó thì cũng hết visa phải về nước. Họ biết điểm yếu này của sinh viên quốc tế. Có những trường trong giây phút "giãy chết" vẫn quảng cáo và móc nối với agent để tiếp tục tuyển sinh dù biết giấy phép có nguy cơ bị treo, không gia hạn được hay thu học phí nhưng trì hoãn cấp thư nhận chấp nhận sinh viên học tại trường và bảo lãnh visa (CAS-Confirmation of Acceptance for Study) để chiếm đoạt tiền của sinh viên. Có nhiều trường bị treo giấy phép sau đó đóng cửa rồi mở trường mới để "chăn dắt" sinh viên Châu Á muốn làm visa sinh viên có học phí thấp để đi làm là chủ yếu. Nhiều sinh viên biết nhưng vẫn tặc lưỡi chấp nhận "tiền nào của nấy" và chấp nhận rủi ro. Riêng các bậc phụ huynh và học sinh nào không muốn có rủi ro này thì lưu ý tìm hiểu một số thông tin sau: tên trường (tham khảo các bảng xếp hạng các trường tại Anh, thường các trường nằm trong bảng xếp hạng đã có tên tuổi nhất định và uy tín nên rủi ro về bị tước giấy phép là cực thấp), tuổi (tránh các trường tư mới thành lập hoặc mới lần đầu có giấy phép tuyển sinh viên quốc tế), kiểm tra xem trường đó có nằm trong danh sách cập nhật các trường có giấy phép tuyển và bảo lãnh visa sinh viên quốc tế hàng năm trên trang web của chính phủ (vào trang Du học Anh có cập nhật thông tin này), học phí rẻ (vd: dưới 5000£ cho các khóa đại học, thạc sỹ etc. ), visa không được phép đi làm (trước đây những công việc trả bằng tiền mặt như làm móng-nail tại các nail shops hoặc nhà hàng vẫn nhận người không có giấy tờ hoặc không có giấy phép đi làm nhưng hiện nay chính phủ thắt chặt kiểm tra và xử phạt những cơ sở này dẫn tới nhiều chủ nhà hàng và shop nails chỉ tuyển người có giấy phép đi làm) etc.
Tham khảo danh sách cập nhật mới nhất các trường có giấy phép bảo lãnh visa cho sinh viên quốc tế năm 2017, xem tại đây:
https://www.gov.uk/…/2017-03-09_Tier_4_Register_of_Sponsors…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *