Theo chia sẻ của bạn VIET CUONG LE dưới đây mình thấy hữu ích cho các bạn muốn tìm cơ hội định cư sau khi du học.
1/ Chuyên môn hóa
Câu cửa miệng các bạn hay nghe là phải học thật giỏi rồi hãy mơ mộng, Nói thế này đúng nhưng chưa đủ. Sinh viên giỏi ở Anh chưa lúc nào thiếu, cho dù chỉ tính người Anh gốc hay bao gồm cả rất nhiều người Châu Âu sang học là làm việc. Các công ty bên này luôn xưng là “Equal Opportunity Employer”, nhưng trong khoảnh khắc họ chọn 1 người từ nhiều ứng viên giỏi ngang nhau, bạn sẽ khó mà thắng.
Giải pháp mình chọn là giảm đối đầu trực tiếp. Thay vào đó, học chuyên sâu 1 lãnh vực nào đó ít người giỏi mà thế giới đang cần. Ví dụ thay vì chỉ học tài chính, bạn có thể chuyên về định giá cổ phiếu. Thay vì chỉ học kiến trúc, bạn có thể chỉ đi sâu về thiết kế trường học. Xã hội Anh chuyên môn hóa rất cao. Có nhiều việc mà chỉ nghe tên thôi thì rất khó đoán việc ấy bao hàm những gì. Chọn cho mình 1 lãnh vực tương đối ít người làm là bạn đã đi trước rất nhiều các ứng viên khác 1 bước dài.
2/ Trau dồi kinh nghiệm
Hồi đó mình học kiến trúc nên có lợi thế là đã quen với việc điểm số phập phù, do đánh giá 1 thiết kế tốt hay ko phụ thuộc nhiều vào cảm tính của giáo viên. Thay vào đó, mình chú trọng vào tích lũy 2 năm kinh nghiệm làm việc trước khi sang Anh. Khoảng thời gian này giúp mình thuyết phục các công ty nên này rằng họ có thể sử dụng mình ngay lập tức. Điểm số tốt nghiệp trung bình hồi ấy ở Việt Nam hay Distiction bên này, nếu không chủ động đề cập thì chưa từng thấy ai hỏi.
Nếu có thể và nếu thực sự quyết tâm nâng cao tối đa cơ hội làm việc tại Anh, bạn nên chờ tích lũy cho đủ vài năm kinh nghiêm làm việc ở Việt Nam trước khi đặt vé máy bay. Tốt hơn nữa thì nên làm cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam, nói tiếng Anh mỗi ngày dù chỉ vài câu, và làm đúng việc bạn muốn xin bên này. Hai bàn tay trắng kinh nghiệm sẽ khiến bạn thua thiệt rất nhiều ở Anh, do người Châu Âu nói chung không có tâm lý phải học ngay lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học.
3/ Sang học tại các thành phố lớn
Nếu bạn đã đi Anh, hãy mạnh dạn sang hẳn London. London đắt đỏ, phức tạp hơn 1 tý nhưng chịu khó khéo co thì vừa ấm thôi. Nếu chịu khó tìm thì ở đâu cũng có nhà ở và đồ ăn giá chấp nhận được. Hơn nữa, chi thêm 1 chút để tìm một cơ hội có thể thay đổi cả cuộc đời bạn, thì vẫn đáng.
Nói về cơ hội việc làm, không đâu ở Anh nhiều việc bằng London. Mọi công ty Anh hay quốc tế đều sẽ hoặc muốn có chi nhánh tại đây. Cái lợi đầu tiên khi có địa chỉ ở đây là đi phỏng vấn dễ hơn và được nhiều nơi hơn. Tiếp đến là nếu bạn đi được theo hướng chuyên sâu hóa như đề cập ở trên, các vị trí đặc thù này ở London sẽ nhiều hơn đáng kể so với ở các thành phố khác. Đến khi nhận việc, bạn sẽ gặp nhiều hơn các đồng nghiệp Châu Âu, do London đang là miền đất hứa của cả lục địa này. Cùng cảnh ngộ đi làm xa, bạn sẽ dễ hòa nhập và có tâm lý thoải mái để hoàn thành suôn sẻ từ 3 đến 6 tháng thử việc đầu tiên. Thêm vào đó, London đắt đỏ hơn nên mức lương trung bình cho mọi nghề đều cao hơn nơi khác. Bạn ở tằn tiện 1 tý sẽ nhanh để dành được 1 khoản kha khá. Giả sử sau này bạn thấy ngộp và muốn chuyển sang ở 1 thành phố nhỏ hơn, mức lương London bạn có lúc đấy sẽ là mức sàn mà công ty mới phải lưu tâm.
Tất nhiên mình không cản bạn sang học ở Manchester, Liverpool hay Glasgow, nhưng đừng chọn thành phố nhỏ hơn 3 anh này nữa nhé.
4/ Nắm rõ luật đi trú
Anh ngày càng thắt chặt các quy định di trú để hạn chế số lượng sinh viên quốc tế ở lại làm việc. Thời gian bạn có sau tốt nghiệp để đi xin việc từng tính bằng năm thì nay chỉ còn vài tháng. Mức lương tối thiểu bạn phải có để được xin visa đi làm cũng ngày 1 tăng. Dạnh sách các công ty có khả năng xin visa cho nhân viên bạn cũng cần nắm. Thêm vào đó là quy định các công ty nếu không tuyển bạn vào ngay sau khi tốt nghiệp sẽ phải làm Resident Labour Market Test, nghĩa là đăng tin tuyển dụng vị trí họ muốn trao cho bạn cho người bản xứ biết trong 1 tháng, nếu không ai ở Anh sẵn làm được việc này thì bạn mới được nhận. Quy định này có 2 hệ quả:
- Sau khi tốt nghiệp khóa học ở Anh sẽ gần như là cơ hội duy nhất bạn có thể xin việc ở lại theo dạng Equal Opportunity.
- Công ty nào bạn vào nhiều khả năng sẽ là nơi bạn làm lâu dài đến khi nhập tịch hoặc chán nước Anh thì thôi, vì muốn đổi thì rất thua Resident Labour Market Test.
Tất nhiên khó thì có chiến thuật, như mình sẽ đề cập trong mục kế tiếp.
5/ Lập kế hoạch sử dụng thời gian 1 năm thật cụ thể
Ở đây mình nói 1 năm vì đó là khoảng thời gian mình sang Anh học hồi trước. Nếu bạn sang nhiều năm hơn, cơ hội sẽ cao hơn nhiều, nhưng về chiến thuật thì vẫn tương tự như sau.
- Viết CV xin việc trước khi rời Việt Nam. Nếu bạn học thiết kế thì làm luôn portfolio sẵn. Sang Anh bạn lo học và tìm chỗ nộp đơn sẽ không có nhiều thời gian chăm chút hồ sơ đâu. Thêm nữa là làm sớm sẽ cho bạn cơ hội tìm người chịu viết reference letter cho mình. Sau này xa mặt cách lòng sẽ khó hơn.
- Nửa đầu năm học, hãy tập trung học các môn chuyên ngành đồng thời luyện tiếng Anh cho chuẩn. Sau này đi phỏng vấn, tiếng Anh chưa cần như người bản xứ nhưng nhất định phải lưu loát và nhấn trọng âm cho đúng. Bài vở trên trường thì phải học thật vững nửa năm đầu. Nửa năm sau sẽ dễ thở hơn dù bạn vừa học vừa xin việc và đi làm vì nền tảng và khả năng viết bài nhanh đã có. Nếu được, học trước vài môn cho nửa năm sau luôn. Không nên mới sang mà ham đi làm ngay.
- Nửa sau năm học, tìm việc hoặc cơ hội thực tập bán thời gian đúng chuyên môn. Đúng chuyên môn là phải càng giống việc bạn muốn xin lúc học xong bên này càng tốt. Vậy làm sao thuyết phục 1 công ty Anh tuyển 1 sinh viên ngoại quốc nói năng lắp bắp vào làm cứ nửa ngày hay nửa tuần lại nghỉ? Thứ nhất là bạn phải chuyên môn hóa, điều mình đề cập đầu tiên trong bài này. Thứ hai là nên xin vào 1 công nhỏ thôi để xác xuất đậu cao hơn. Công ty này có thể không cần phải có khả năng xin visa cho bạn, vì sau này bạn có thể đổi sang chỗ khác khi sắp tốt nghiệp.
- Khi chuẩn bị tốt nghiệp, rải đơn xin việc ở các công ty lớn. Các công ty này thường sẽ xin được visa cho bạn. Tất nhiên lúc phỏng vấn hay có recruiter liên lạc thì phải hỏi lại cho chắc. Trong đơn xin việc đừng để quốc tịch hay yêu cầu visa gì cả. Quốc tịch họ tuyển dụng nhiều, nhìn tên mình là đoán ra ngay. Vấn đề visa thì cuối buổi phỏng vấn hãy đề cập. Chọn công ty nào bạn nhắm có thể làm liên tục trong 3-5 năm, vì thay đổi giữa đường rất khó. Công ty mà yêu cầu bạn có “rights to work in the UK” thì bỏ qua. Kỹ năng xin việc là 1 chủ đề khác, nhưng cũng không có gì đặc thù cho sinh viên Việt Nam nên bạn cứ tìm hiểu chuẩn chung rồi phát triển lên.
- Bạn sẽ cần ít nhất 2-3 tuần trước khi visa sinh viên hết hạn để xin visa đi làm. Nếu may mắn gặp công ty hào phóng như bên mình thì họ sẽ trả lệ phí cho luôn. Sau khi có visa mới thì về Việt Nam thăm nhà thôi J
6/ Tham khảo các thị trường khác
Mình đi lại nhiều nhưng thực sự chưa thấy ở đâu có môi trường làm việc hợp với bản thân bằng ở Anh. Tuy nhiên, xác xuất tìm được việc và nhận bảo lãnh để đi làm ở Anh vẫn thấp hơn so với các nước nói tiếng Anh khác. Nếu bạn nhất định phải di cư ra nước ngoài qua con đường đi học và đi làm, hãy tìm hiểu thêm các nước khác trước khi quyết định. Người giỏi và có chiến thuật đúng thì ở đâu cũng có cơ hội.
1 năm học và 3 năm làm việc ở Anh là không quá lâu nhưng cũng đủ dài để mình thấy cách xã hội họ vận hành. Hy vọng bài viết này sẽ góp 1 phần nhỏ để sau này ở London chúng ta sẽ có 1 Vietnam Town to hơn cả China Town!
P/s: Tự tin, năng động, không ngại xông pha, có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn hoạch định từng bước đi. Cơ hội việc làm part-time ở văn phòng các thành phố nhỏ cũng có, nếu bạn chịu khó tìm. Nhiều bạn học ở ngoại tỉnh, xong lên London hoặc tìm việc ở các thành phố lớn khác. Nhiều công ty lớn ở London cần tuyển nhân viên cho các tỉnh khác nên khi bạn nhắm công ty nào thì để ý xem nó có chi nhánh gần chỗ mình không và có cơ hội phù hợp với mình không. Đừng chờ khi học xong mà nên xin đi thực tập tại các công ty khi đang đi học (bất kỳ khoá học nào khi bạn từ 16 tuổi trở lên)